Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 2

* CHÚA HIỂN DUNG;

* CHÚA KHẢI HOÀN VÀO JERUSALEM

Chúa Giêsu đã dành gần ba năm ròng rã ngược xuôi rao giảng, làm muôn vàn phép lạ cho tới thời điểm được Thiên Chúa Cha hằng hữu ấn định để đền bù phép công thẳng Thiên Chúa, để cứu chuộc loài người bằng Khổ Hình Thập Giá, và trở về với Thiên Chúa Cha. Mọi việc Chúa Cứu Thế thực hiện đều được Thiên Chúa Cha an bài nhằm mục đích chỉ dạy và cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu quyết định chuẩn bị, củng cố sức mạnh cho một số Tông Đồ trước sự nhục nhã mà thân xác Chúa sẽ chịu trong Khổ Hình Cứu Chuộc, cho các ông thấy trước vinh quang chính thân xác Chúa, mà thân xác đó sẽ sớm phô bày trong hình hài tan nát trên Thánh Giá. Như thế các ông được bảo đảm, bằng tư tưởng, rằng các ông đã thấy thân xác Chúa vinh hiển sáng láng trước khi bị tan nát trong khổ hình (Mt 17:1-13). Chúa chọn một ngọn núi cao, núi Tabor, giữa xứ Galilea, cách Nazareth khoảng tám dặm về phía đông làm nơi hiển dung. Đi lên đỉnh núi Tabor cùng với ba Tông Đồ ưu tuyển, ông Phêrô và hai anh em ông Giacôbê và Gioan. Tại đây Chúa hiển lộ Sự Uy Nghi Cả Sáng trước mắt các ông (Mt 17:1, Mc 9:1, Lc 9:28). Ba Thánh Sử cho biết ngoài ba Tông Đồ này, hai ông Maisen và Elias cũng hiện diện đàm đạo với Chúa về Cuộc Khổ Hình. Trong khi Chúa hiển dung, tiếng Thiên Chúa Cha từ trời vang lên: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng vì Con; các ngươi hãy nghe lời Ngài.”

Các Thánh Sử không nói Mẹ Maria hiện diện khi Chúa hiển dung lần này, các ngài cũng không nói Mẹ Maria không hiện diện tại đó vì việc này không nằm trong mục đích của các ngài. Vì mục đích việc ghi lại lịch sử này, tác giả được cho hiểu rằng một số thiên thần được lệnh đem linh hồn ông Maisen và ông Elias tới, cùng lúc đó các thiên thần khác được chỉ định đưa Mẹ Maria tới núi Tabor để chứng kiến Con Mẹ tỏ hiện Thiên Tính Uy Nghi Cả Sáng. Tuy nhiên không phải cần để củng cố đức tin của Mẹ Maria, như cần thiết đối với các Tông Đồ.

Khả năng loài người không thể mô tả những hiệu lực thị kiến vinh hiển của Con cực thánh trong linh hồn rất thánh Mẹ Maria. Với lòng biết ơn sâu thẳm và hiểu biết tường tận sâu xa nhất, Mẹ suy gẫm những điều Mẹ chứng kiến. Mẹ nhìn thấy tính chất rực rỡ trong vinh quang thân xác đã được tạo thành bằng chính máu Mẹ, được cưu mang trong dạ Mẹ, được nuôi dưỡng bằng sữa Mẹ. Chính tai Mẹ đã nghe tiếng Thiên Chúa Cha thừa nhận Con Mẹ là Con Thiên Chúa Cha, chỉ định Ngài là Thầy Dạy toàn thể nhân loại. Cùng với các thiên thần, Mẹ sáng tác những ca khúc tôn vinh mới để mừng biến cố chan chứa niềm vui đối với bản tính nhân loại của Con cực thánh Mẹ và đối với linh hồn Mẹ. Tác giả không viết nhiều về mầu nhiệm này, cũng không bàn về những điều mà việc Chúa hiển dung thực sự bao gồm. Điều chúng ta biết đủ là gương mặt Chúa bắt đầu rực sáng chói chang như mặt trời và y phục của Chúa trở nên trắng hơn tuyết (Mt 17:2).

Sau khi Chúa hiển dung, Mẹ Maria được đưa trở về Nazareth. Con cực thánh Mẹ xuống khỏi núi, lập tức về thăm Mẹ và từ biệt lần chót thị trấn quê hương để đi Jerusalem chịu Khổ Hình vào ngày Lễ Vượt Qua sắp tới. Sau khi ở lại Nazareth vài ngày, Chúa cùng với Mẹ Maria, các môn đệ và một số phụ nữ thánh thiện, đi qua khắp xứ Galilea, Samaria, trước khi vào Jerusalem. Thánh Sử Luca viết về cuộc hành trình này: “Ngài quyết định đi Jerusalem” (Lc 9:51). Chúa đi Jerusalem với nét mặt hân hoan tha thiết mong chịu khổ hình vì loài người. Trước khi rời khỏi Nazareth, Chúa tôn vinh Thiên Chúa Cha hằng hữu, và nhân danh nhân tính cực thánh của Chúa, dâng lời tạ ân trong ngôi nhà Nazareth, nơi Chúa đã nhận lấy hình hài và bản tính nhân loại mà trong ít ngày tới phải nạp mình để chịu đau khổ và chết.

Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha hằng hữu của Con, theo thánh ý Cha, Con hoan hỉ mau mắn đền bù phép công thẳng của Cha bằng việc chịu khổ hình cho tới chết. Nhờ đó Con làm hòa Cha với tất cả con cháu Adong, trả hết mọi nợ nần thay cho họ và mở cửa thiên đàng đã từng bị đóng lại không cho họ vào. Con tìm kiếm những kẻ lạc đường hư mất, làm cho họ có thể hồi phục nhờ sức mạnh tình yêu của Con. Con tìm kiếm và tập hợp lại các con cái hư mất của nhà Jacob (Is 56:8), nâng những người sa ngã chỗi dậy, làm cho những kẻ nghèo khó nên giàu có, cho người đói khó được no thỏa, truất phế những kẻ kiêu căng và nâng người hèn mọn khiêm tốn lên. Con đánh bại Lucifer (1 Gíoan 3:8), chiến thắng các sự dữ mà Lucifer đã gieo rắc khắp thế gian. Con phất cao cờ Thánh Giá, mà dưới bóng cờ Thánh Giá là các thánh đức và những người phải chiến đấu tự nguyện đặt mình dưới sự bảo trợ của Thánh Giá. Con muốn chứa đầy trái tim Con những lời sỉ nhục khinh miệt, những thứ đó hết sức quí giá trước thánh nhan Cha. Con muốn hạ mình xuống cho tới chết trong tay kẻ thù Con, để các bạn hữu được tuyển chọn của Cha Con Ta được an ủi trong những đau khổ của họ, được tôn vinh bằng những phần thưởng cao quí, bất cứ khi nào họ tự hạ mình chịu cũng những đoạ đày như thế”.

Chúa nói với Thánh Giá: “Thánh Giá yêu dấu! Đến bao giờ ngươi mới đón nhận Ta trong cánh tay ngươi? Ôi những sỉ nhục ngọt ngào! Khi nào các ngươi mới phủ trên Ta để chiến thắng sự chết qua những đau khổ của thân xác hoàn toàn tinh tuyền của Ta? Hỡi những đau đớn, sỉ nhục đê hèn, đánh đập, mão gai, hành hạ đoạ đày, sự chết, hãy đến với Ta, Ta ước ao ôm ấp các ngươi; hãy vâng nghe lời Ta đón mời vì Ta hiểu rõ giá trị các ngươi. Nếu thế gian sợ ghét các ngươi, Ta trông chờ các ngươi. Nếu thế gian khinh miệt các ngươi vì sự ngu đần của nó, Ta, Đấng là chân lý và khôn ngoan, yêu thương ấp ủ các ngươi. Nào các ngươi hãy đến với Ta, vì khi hoan nghênh đón tiếp các ngươi, Ta đề cao các ngươi trong tư cách Ta là Thiên Chúa thực, sẵn sàng xóa mọi dấu vết tội lỗi khỏi các ngươi và tất cả những ai ôm ấp các ngươi. Hỡi những đau đớn, hãy đến với Ta, đừng làm Ta thất vọng; đừng chú ý tới uy quyền Thiên Chúa toàn năng của Ta, Ta cho phép các ngươi tác động toàn lực trên nhân tính của Ta, các ngươi sẽ không bị Ta khước từ hoặc khinh ghét như loài người từ chối ghét bỏ. Nếu loài người nhìn thấy Thiên Chúa thực, Đấng tạo dựng chúng, Thầy chí thánh và Cha của chúng, chịu sỉ nhục cùng độ, chịu đánh đập, bị hành hạ nhục nhã và chết trần truồng trên Thánh Giá, loài người sẽ hiểu sự sai lầm của chúng, sẽ coi là vinh dự được theo Thiên Chúa bị đóng đanh của họ.”

Tác giả không thể nào diễn tả xứng đáng tất cả các tư tưởng và cảm xúc của Mẹ Maria trong buổi từ biệt Nazareth, những lời cầu nguyện Mẹ Maria dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu, những đàm thoại yêu thương và đau buồn với Con chí thánh. Điều làm Mẹ đau lòng nhất là Mẹ không thể ngăn cản những đau khổ của Chúa, hoặc ít nhất được cùng chết với Chúa. Những đau buồn này của Mẹ Thiên Chúa vượt quá những đau khổ tất cả các thánh tử đạo đã hoặc sẽ chết vì yêu Chúa cho tới tận thế. Với lòng trí cùng tâm tình như thế, Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria giong ruổi từ Nazareth qua Galilea tới Jerusalem. Vì thời điểm chấm dứt những vất vả của Chúa để cứu chuộc nhân loại đã gần tới, số phép lạ Chúa làm gia tăng nhiều. Sau khi mừng lễ Nhà Tạm, Chúa Cứu Thế vất vả giảng dạy ở Judea, chờ cho tới thời điểm Thiên Chúa Cha ấn định hiến mình làm hy lễ.

Chúa Cứu Thế tiếp tục làm nhiều phép lạ ở Judea. Trong số các phép lạ này là Chúa được hai chị em bà Martha và Maria mời tới Bethania cho ông Lazaro sống lại. Vì phép lạ này xảy ra quá gần Jerusalem, lời tường thuật về phép lạ này được loan truyền mau lẹ khắp thành phố này. Các tư tế và biệt phái, tức tối khó chịu vì phép lạ này, đã họp hội đồng (Gioan 9:17) quyết định cái chết của Chúa Cứu Thế và truyền cho bất cứ ai biết Chúa ở đâu phải báo cáo với họ; vì sau khi ông Lazaro sống lại, Chúa Giêsu tạm nghỉ tại thị trấn Ephrem, chờ tới ngày Lễ Vượt Qua. Khi thời điểm mừng lễ Vượt Qua bằng chính Cuộc Khổ Nạn tới gần, Chúa xuất hiện công khai cùng với mười hai Tông Đồ. Chúa nói riêng với các ông rằng lúc này các ông phải chuẩn bị sẵn sàng để đi Jerusalem, nơi đó Con người (chính Chúa) sẽ bị nộp cho các trưởng giáo và biệt phái, bị bắt trói như kẻ tội tù, bị đánh đập, bị hành hạ cho tới chết trên Thánh Giá (Mt 20:18). Trong khi đó các tư tế canh xét cẩn mật để tìm Chúa trong số những người đến mừng Lễ Vượt Qua. Sáu ngày trước đó Chúa lại viếng Bethania, nơi Chúa đã cho ông Lazaro sống lại, và được hai chị em bà Martha và Maria thết đãi. Trong số những người ngồi cùng bàn với Chúa, với Mẹ Maria và các môn đệ, là ông Lazaro, người đã được Chúa cho sống lại vài ngày trước đó.

Lúc bình minh ngày thứ Năm, áp ngày Khổ Hình Tử Nạn, theo lời Chúa Cứu Thế mời, Đức Hiền Mẫu Maria rất thánh tới quì nơi chân Chúa, Mẹ nói: “Chúa và Thầy của mẹ, xin hãy nói đi, tôi tớ Chúa đang lắng nghe.” Nâng Mẹ Maria lên, Chúa nói với Mẹ: “Thưa Mẹ của Con, bây giờ đã tới thời điểm được sự khôn ngoan của Thiên Chúa Cha hằng hữu ấn định để hoàn thành công cuộc cứu chuộc và phục hồi cho nhân loại, mà do ý muốn cực thánh của Ngài ấn định đặt trên vai Con phải vác. Thật là chính đáng Chúng Ta, Mẹ và Con, vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, như Mẹ Con Ta vẫn hằng tận hiến thi hành. Mẹ là Mẹ thực của Con, xin Mẹ cho phép Con chịu khổ hình và chết. Xin Mẹ bằng lòng cho phép Con nạp mình cho kẻ thù Con để tuân theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Con đã nhận được từ Mẹ hình hài con người biết đau khổ và chết mà qua đó Con sẽ chịu khổ hình, chịu chết để cứu chuộc thế giới, đền bù phép công thẳng Thiên Chúa, Con xin Mẹ vui lòng đồng công với Con trong công trình cứu độ đời đời. Mẹ đã tự nguyện ưng thuận nhận việc nhập thể của Con, bây giờ Con ước muốn Mẹ cũng bằng lòng việc Con chịu Khổ Hình và Chết trên Thánh Giá. Bây giờ Mẹ tự nguyện hy sinh hiến dâng Con, mà theo thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu, đây sẽ là phần đền đáp mà Con xin nơi Mẹ vì đã làm cho Mẹ trở nên Mẹ Con. Thiên Chúa Cha đã phái Con, để qua những đau đớn nơi thân xác Con, cứu vớt những con chiên lạc của Ngài là mọi con cái Adong” (Mt 18:11).

Những lời Chúa Cứu Thế xuyên thấu trái tim tột đỉnh yêu thương của Mẹ Maria, đẩy Mẹ vào niềm đau đớn dữ dội, đau đớn quá sức Mẹ từng chịu đựng. Thời điểm khủng khiếp đã tới, thời điểm đó đã được ấn định cho sinh mạng Con cực yêu dấu Mẹ. Mẹ Maria nhìn Chúa Giêsu là Thiên Chúa của Mẹ: Chúa vô cùng trong mọi phẩm chất và trọn lành, là Thiên-Chúa-làm-người thực trong hiệp nhất với Ngôi Lời Thiên Chúa. Mẹ thấy Chúa được thánh hóa, được tung hô khôn tả do sự kết hợp với Thiên Chúa. Mẹ nhớ sự vâng phục Chúa Giêsu đã biểu lộ đối với Mẹ suốt bấy nhiêu năm, những ân sủng Chúa ban cho Mẹ suốt thời gian dài sống bên Mẹ. Mẹ biết rõ chẳng bao lâu nữa Mẹ sẽ bị cướp mất cuộc sống chung hạnh phúc này, bị cướp mất sự đẹp đẽ nơi gương mặt Chúa, mất sự dịu ngọt vô giá của những lời Chúa nói. Mẹ biết sẽ không những chỉ mất tất cả những thứ này cùng một lượt, mà hơn nữa Mẹ sẽ phải nộp Chúa vào tay những kẻ thù ác độc ghê gớm, phải trao Chúa cho những sỉ nhục hành hạ, phải dâng hiến Hy Lễ Đẫm Máu chết trên Thánh Giá. Tất cả mọi ưu tư và cảnh huống này sâu sắc biết chừng nào. Lúc này tất cả đều hiện ra rõ ràng trước mắt, xuyên thấu trái tim hiền từ đầy yêu thương của Mẹ, làm cho trái tim Mẹ đau đớn khôn lường! Nhưng với lòng cao thượng, Mẹ đánh bại nỗi đau thương bất khả kháng này, quì nơi chân Con chí thánh và Thầy của Mẹ, với lòng tôn kính sâu thẳm nhất Mẹ nói:

 

“Lạy Chúa và Thiên Chúa tối cao, Đấng tạo dựng muôn loài, mặc dầu Chúa là Con lòng mẹ, mẹ là nữ tì của Con. Tình thương vô biên của Con chiếu cố đã nâng mẹ từ bụi đất lên địa vị mẹ của Con. Mẹ, một con trùng hèn hạ, nhìn nhận và cảm tạ lòng nhân từ đại lượng của Con bằng việc vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu và của Con. Mẹ tự hiến thân mẹ và tuân phục điều làm vui lòng Thiên Chúa Cha, để trong mẹ, cũng như trong Con, thánh ý đáng tôn thờ của Thiên Chúa Cha hằng hữu được chu toàn. Hy lễ lớn lao nhất mẹ có thể dâng là mẹ sẽ không thể chết cùng với Con, số phận đau khổ của chúng ta sẽ không bị đảo lộn. Vì chịu đau khổ trong việc bắt chước Con, liên kết đồng hành với Con sẽ làm dịu bớt rất nhiều những đau đớn của mẹ, tất cả những hành hạ sẽ trở nên ngọt ngào nếu chịu đựng trong liên kết với những thống khổ của Con. Việc Con sẽ chịu mọi hành hạ thống khổ này để cứu độ nhân loại sẽ là niềm an ủi duy nhất đối với những đau đớn của mẹ. Hỡi Thiên Chúa của mẹ, xin hãy nhận hy lễ này của lòng mẹ ước nguyện được chết cùng với Con, hy lễ do việc mẹ còn tiếp tục sống, trong khi Con, Con Chiên cực tinh khiết vô tội và là hình ảnh trung thực bản thể Thiên Chúa Cha hằng hữu, phải chịu chết (Dt 1:3). Xin Con cũng nhận những quằn quại buồn phiền của mẹ khi nhìn thấy sự ác độc vô nhân đạo nơi những kẻ thù đối với Ngôi Vị cao cả của Con.

“Hỡi các tầng trời các tinh tú và mọi tạo vật tại các nơi đó, hỡi các thiên thần trên trời, hỡi các thánh Tổ và các Tiên Tri, xin phụ giúp tôi than khóc Cái Chết của Con cực yêu dấu của tôi, Đấng đã tạo dựng các người. Tất cả hãy cùng tôi than khóc sự khốn khổ của nhân loại mà họ là nguyên nhân Cái Chết này, khóc những người không hưởng được các hồng ân cao cả Ơn Cứu Chuộc, nhưng bị mất sự sống đời đời vốn được chuộc bằng giá vô cùng! Ôi bất hạnh thay các người, những kẻ được biết trước sẽ bị luận phạt đời đời! Và hỡi những người được tiền định hạnh phúc, những người sẽ giặt áo trong máu Con Chiên (Kh 7:14), cácngười, những kẻ biết cách hưởng phúc lộc nhờ Hy Lễ cực thánh này, hãy ca tụng Thiên Chúa toàn năng!

“Hỡi Con và niềm hoan lạc linh hồn mẹ, xin ban ơn can đảm chịu đựng kiên trì và sức mạnh cho mẹ đau khổ của Con. Xin thâu nhận mẹ làm môn đệ, làm bạn đồng hành của Con, để mẹ có thể dự phần những Khổ Hình và Thánh Giá của Con, để Thiên Chúa Cha hằng hữu vui lòng nhận hy lễ mẹ kết hợp với Hy Lễ của Con.”

Được Chúa Cứu Thế cho phép, Mẹ Maria xin thêm một điều nữa: “Con cực yêu dấu của linh hồn mẹ, ánh sáng mắt mẹ, mẹ không xứng đáng xin Con những điều mẹ ước nguyện từ đáy linh hồn mẹ. Nhưng Con là Chúa, là sự sống mẹ, lòng cậy trông của mẹ, trong niềm tín thác này, nếu vui lòng Con, xin cho mẹ dự phần Nhiệm Tích Mình và Máu thánh vô cùng cao siêu của Con. Con đã quyết định lập Phép Thánh Thể làm bằng chứng bảo đảm vinh quang của Con. Khi rước Con trong Nhiệm Tích Thánh Thể, trái tim mẹ được chia sẻ những hiệu lực Nhiệm Tích mới đáng ca ngợi này. Lạy Chúa, mẹ biết rõ không một thụ tạo nào có thể xứng đáng được hưởng hồng ân vô cùng cao siêu vượt trên mọi kỳ công cao cả của Con. Để xin Con ban ơn đó cho mẹ, mẹ không có thứ gì khác để dâng ngoại trừ chính Con và tất cả công nghiệp vô cùng của Con. Nếu những công nghiệp nhờ nhân tính mà Con đã nhận từ lòng mẹ tạo cho mẹ đặc ân nào đó, xin cho đặc ân này không cản trở việc ban chính mình Con cho mẹ trong Nhiệm Tích Thánh Thể, làm cho mẹ nên của Con trong sự chiếm hữu mới này; việc này phục hồi cho mẹ tình thân ái dịu ngọt nhất của Con. Từ khi Con cho mẹ biết quyết định bất khả chuyển dịch việc Con ở lại trong Giáo Hội dưới hình bánh và rượu được thánh hiến, Mẹ đã chuẩn bị tất cả mọi ước nguyện và nỗ lực để xứng đáng tiếp rước sự Hiệp Thông chí thánh này. Vì thế hỡi Con, Chúa và Thiên Chúa của mẹ, Con hãy trở lại nơi cư ngụ đầu tiên mà Con đã tìm thấy nơi mẹ yêu dấu và nô lệ của Con, người đã được chuẩn bị để tiếp nhận Con bằng việc giữ cho không vương một tì vết tội lỗi. Khi đó mẹ sẽ đón rước trong mẹ nhân tính, mà mẹ đã hiệp thông với Con từ máu mẹ, như thế mẹ Con Ta sẽ hiệp nhất trong liên kết khắng khít và canh tân. Viễn ảnh này đốt cháy trái tim mẹ với tình yêu thương nồng nàn cực độ, ước chi mẹ không bao giờ chia lìa Con, Đấng là Thiên Chúa muôn thuở và Yêu Dấu của linh hồn mẹ.”

Chỉ ít phút trước giờ ngọ ngày thứ Năm Tiệc Ly, Chúa Cứu  Thế, cùng với Mẹ Maria cực yêu dấu và sầu bi, ra đi đem theo các Tông Đồ tới Jerusalem. Ngay lúc khởi đầu, Chúa ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa Cha hằng hữu dâng lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu và Thiên Chúa của Con, vâng theo thánh ý Cha bây giờ Con đi chịu khổ hình và chết để giải phóng nhân loại, anh em Con và thụ tạo của tay Cha. Con nạp mình để cứu chuộc họ để qui tụ những người đã bị phân tán chia ly vì tội Adong.”

LỜI MẸ MARIA

 

Con của Mẹ, vì linh hồn con đã được trang bị những ơn soi sáng đặc biệt, Mẹ kêu gọi và mời con lần nữa đắm mình trong biển mầu nhiệm gồm trong Khổ Hình và Tử Nạn của Con chí thánh Mẹ. Con hãy vận dụng mọi khả năng trái tim và linh hồn con để xứng đáng hiểu biết tối thiểu, suy gẫm những khổ nhục và buồn phiền Con Thiên Chúa Cha hằng hữu phải chịu trên Thánh Giá; suy gẫm những hành động và những đau đớn của Mẹ liên kết với Thống Khổ Cay Đắng của Chúa. Con của Mẹ, Mẹ ước ao con nghiên cứu, học hỏi sự khôn ngoan này, vốn từng bị loài người quá sức dửng dưng, để có thể theo Đấng Yêu Dấu của con, bắt chước Mẹ và Thầy của con. Con hãy ghi chép lại và cảm hiểu thiệt sâu xa tất cả những điều Mẹ dạy con về các mầu nhiệm này. Con phải tự mình xa lánh mọi tình cảm loài người, thế tục và của riêng con, để con hoàn toàn tự do theo chân Chúa Cứu Thế và Mẹ.

Mẹ cũng ước mong con đánh giá đúng mức việc người ta khinh thường chểnh mảng không năng rước Thánh Thể, rước Thánh Thể mà thiếu chuẩn bị và thiếu lòng mộ mến nồng nàn là tội ác kinh khủng đối với Chúa, đối với Mẹ và các thánh. Mẹ đã cho con thấy các việc Mẹ làm trong dịp này, Mẹ chuẩn bị ròng rã bao nhiêu năm để rước Con cực thánh Mẹ trong Nhiệm Tích Thánh Thể và các Nhiệm Tích khác, để con ghi lại lời cảnh cáo, lời giáo huấn và gương cho nhân loại soi mà xấu hổ vì cách họ cư xử.

Mặc dầu Mẹ không vương một chút dấu vết tội lỗi nào và tràn đầy mọi ân sủng, Mẹ đã bằng những hành động yêu mến nồng cháy, khiêm nhượng và biết ơn, tìm kiếm để gia tăng sự xứng đáng đối với Ơn trọng đại này. Phần con và các con cái khác của Giáo Hội, những người hàng ngày hàng giờ mắc thêm tội lỗi mới, phải thi hành những nỗ lực nào để xứng đáng với vẻ đẹp của Thiên Tính và nhân tính của Con cực thánh Mẹ? Trong ngày chung phán, những người đam mê tìm kiếm phù vân trần thế có thể đưa ra lời bào chữa nào vì tội đã khinh miệt tình yêu khôn sánh và hồng ân này luôn hiện diện trong Giáo Hội, sẵn sàng tuôn tràn đầy cho họ muôn vàn ân sủng của Chúa? Con cũng hãy sửng sốt vì sự điên khùng này của loài người như các thiên thần đã sửng sốt ngỡ ngàng, và con hãy tự giác để khỏi vấp phạm cũng điều sai lầm đó.